Các ngân hàng thương mại đang hướng đến tăng trưởng lợi nhuận cao hơn so với năm 2017...

Phải đến cuối tháng 3 và trọng điểm tháng 4 các ngân hàng thương mại mới tổ chức đại hội đồng cổ đông, nhưng bước đầu nhiều thành viên đã xác định kế hoạch, tiếp tục lạc quan với năm 2018.

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là thành viên đầu tiên trong khối ngân hàng thương mại nhà nước (đã cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn nắm sở hữu chi phối) tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch kinh doanh 2018.

Sau các kỷ lục về tổng tài sản và lợi nhuận trong 2017, Vietcombank đặt các chỉ tiêu tăng trưởng khá khiêm tốn trong năm 2018: tín dụng tăng khoảng 16%, huy động tăng khoảng khoảng 17%, tổng tài sản tăng khoảng 14% và chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 12.000 tỷ đồng so với mức hơn 11.000 tỷ đồng năm qua.

Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng đã bước đầu xác định các chỉ tiêu kinh doanh chính trong năm nay, với tổng tài sản dự kiến tăng khoảng 15-17%; huy động vốn tăng khoảng 18-20%; tín dụng tăng khoảng 16-17%.

Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cũng định hướng kế hoạch tăng trưởng tín dụng tối đa trong 2018 vào khoảng 17%; huy động vốn tăng trưởng 17%; chênh lệch thu chi tăng trưởng 18%.

Điểm chung ở những ngân hàng thương mại nhà nước nói trên, do ba năm qua mức tăng của vốn điều lệ hạn chế, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đang ở sát mức tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nên các chỉ tiêu tăng trưởng năm tới hầu hết đều dưới mốc 20%.

Trong đó, hạn chế về sức tăng vốn và đảm bảo CAR nên cả tín dụng và tổng tài sản đều khó đẩy tăng trưởng cao; riêng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng vẫn phải chờ Ngân hàng Nhà nước giao cụ thể.

Cả BIDV và VietinBank hiện vẫn chưa đưa ra con số chỉ tiêu lợi nhuận cụ thể cho năm 2018 - điểm mà mức độ tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào việc xử lý được những hạn chế về tăng vốn nói trên như thế nào trong năm nay. Con số chỉ tiêu chính thức sẽ phải chờ chốt lại tại đại hội đồng cổ đông dự kiến vào tháng 4 tới.

Trong khi đó, một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã sớm xác định các chỉ tiêu kinh doanh năm nay, trong đó có hướng lạc quan nối tiếp sau năm 2017 bứt phá ấn tượng.

Tại hội nghị ngày 20/1, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đặt mục tiêu đạt 1.640 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2018, chỉ tăng nhẹ so với mức 1.488 tỷ đồng năm qua, do vẫn phải tăng cường xử lý nợ và trích lập dự phòng để xử lý những tồn đọng trước đây.

Sacombank đặt mục tiêu lạc quan hơn trong kế hoạch xử lý nợ xấu. Sau khi xử lý được hơn 19.660 tỷ đồng nợ xấu trong năm qua, ngân hàng này đặt mục tiêu tiếp tục xử lý được lượng nợ xấu tối thiểu bằng mức làm được trong 2017 cho năm 2018. Tỷ lệ nợ xấu theo đó có chỉ tiêu giảm từ 4,28% cuối 2017 xuống 3% trong năm 2018.

Sau khi tạo hiện tượng trong 2017, Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank) tiếp tục đặt chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng mạnh trong năm 2018, như tổng tài sản 242.865 tỷ đồng; tổng huy động 222.184 tỷ đồng; tổng dư nợ 154.510 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong năm 2018 HDBank tiếp tục đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 3.921 tỷ đồng, tăng tới khoảng 62% so với năm 2017. Các chỉ số hiệu quả theo đó ROE sau thuế có chỉ tiêu đạt 20.2%; ROA sau thuế 1.3%.

Từ tuần tới, nhiều ngân hàng tiếp tục triển khai hội nghị định hướng kế hoạch kinh doanh năm nay cho toàn hệ thống. Sau năm 2017 bắt đầu trở lại với kết quả kinh doanh nói chung tốt nhất kế từ năm 2012 trở lại đây, hướng lạc quan dự kiến sẽ nối tiếp ở các chỉ tiêu kế hoạch cụ thể.

Còn ở kỳ vọng chung, một khảo sát vừa được Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước) thực hiện trên toàn hệ thống cho thấy, dự kiến trong năm 2018, có tới 92,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị sẽ tăng trưởng dương so với năm 2017, với mức tăng trưởng toàn hệ thống bình quân kỳ vọng đạt 19,33%, cao hơn nhiều so với mức bình quân kỳ vọng 13,4% của các tổ chức tín dụng tại cuộc khảo sát cùng kỳ năm trước.

Những vẫn đề bạn cần biết: đáo hạn ngân hàng là thế nào
Những vẫn đề bạn cần biết: đáo hạn ngân hàng là gì
Những vẫn đề bạn cần biết: vay giải chấp đáo hạn ngân hàng