Brand là gì?

Brand – hay còn gọi là thương hiệu được xem là đỉnh cao của sản phẩm – theo nhận định của giới chuyên môn. Tuy nhiên, thực tế brand còn mang ý nghĩa nhiều hơn như thế. Để là một nhà marketing chuyên nghiệp hay là chủ một doanh nghiệp, trước hết bạn cần có cái nhìn chuẩn xác về brand. Có khá nhiều khái niệm giải thích brand là gì, tuy nhiên chúng tôi xin trích dẫn khái niệm đầy đủ và dễ hiểu cho người đọc

“Brand là một dấu hiệu (hữu hình hoặc vô hình) đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hàng hoá hay một dịch vụ nào đó được sản xuất hay được cung cấp bởi một cá nhân hay một tổ chức. Các dấu hiệu có thể là những ký hiệu, biểu trưng (logo), thiết kế từ ngữ mang tính khẩu hiệu (slogan), … được gắn vào bao bì sản phẩm, mác sản phẩm, hay bản thân sản phẩm” (Trích định nghĩa của WPTO).

Brand được xem là tài sản riêng của doanh nghiệp. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp thường đưa brand vào bảng cân đối tài chính. Ở Việt Nam, brand được định giá cao nhất là Viettel (2,56 tỷ đô).

Xem thêm:
10 Nguyên tắc vàng cho một thiết kế logo chuyên nghiệp

Tại sao Brand lại đóng vai trò quan trọng đến sự phát triển của doanh nghiệp?

Nếu như ngày xưa, khách hàng chỉ quan tâm đến sản phẩm tiêu dùng thì trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, mọi chuyện đã hoàn toàn khác. Hằng ngày chúng ta tiếp xúc với hàng trăm mẩu quảng cáo khác nhau và ước tính cứ mỗi năm, lại có 25 ngàn sản phẩm mới ra đời. Yếu tố nào làm cho người tiêu dùng không bị lẫn lộn và có thể chọn lựa sản phẩm mong muốn giữa hàng trăm sự lựa chọn khác nhau? Chỉ có thể là brand – thương hiệu.

Dẫu cho brand là gì, một ký hiệu giản đơn hay thậm chí chỉ là một từ không có nghĩa – nhưng giá trị mà nó mang lại quả thật khiến cho người ta phải kinh ngạc. Điều gì làm hàng nghìn người xếp hàng từ đêm đến sáng để sở hữu một chiếc smartphone của Apple – nếu không phải là thương hiệu Iphone đã quá nổi tiếng? Các sản phẩm đều có vòng đời, và rồi sẽ trở nên lỗi thời nhanh chóng, nhưng brand thì có thể tồn tại mãi. Brand là kết tinh của chất lượng, uy tín và kinh nghiệm – những yếu tố làm khách hàng tin tưởng và tín nhiệm. Brand có thể giúp doanh nghiệp vượt qua mọi rào cản khó khăn, những biến động thị trường để giữ vững chỗ đứng của mình.

Yếu tố nào làm nên brand?

Để xác định các yếu tố làm nên brand, trước hết bạn cần xem xét lại khái niệm brand là gì. Như chúng ta đã phân tích, brand là dấu hiệu giúp khách hàng nhận biết sự khác biệt giữa những sản phẩm tương đồng về đặc điểm, tính chất và công dụng. Do đó, brand nhất định cần phải có sự riêng biệt.


Bộ nhận diện thương hiệu: là hệ thống nhận diện bao gồm logo, bao bì, font chữ, màu sắc… được thiết kế riêng biệt cho sản phẩm và doanh nghiệp, góp phần tôn vinh và nổi bật sản phẩm khi đứng cạnh những sản phẩm tương đồng. Bộ nhận diện thương hiệu có vai trò quan trọng trong quá trình định vị thương hiệu, vì khách hàng thường dễ bị thu hút bởi những mẫu mã bao bì thẩm mỹ, bắt mắt.

Khẩu hiệu: khẩu hiệu hay còn gọi là slogan được xem như lời cam kết về chất lượng hàng hóa/dịch vụ của doanh nghiệp với khách hàng. Khẩu hiệu thường ngắn gọn, súc tích, thể hiện được triết lý kinh doanh và mang nhiều hàm ý sâu xa. Ví dụ một số slogan gây ấn tượng cho khách hàng như Apple: Think different (hãy nghĩ khác biệt); Viettel: Hãy nói theo cách của bạn.

Tính năng, lợi ích sản phẩm: giá trị của brand xuất phát từ chất lượng, tính năng sản phẩm phù hợp với lợi ích của người tiêu dùng. Chất lượng làm nên sự uy tín cho sản phẩm và doanh nghiệp. Theo thời gian, với sự cảm nhận tích cực về chất lượng sản phẩm, brand sẽ được khắc sâu trong tâm trí người tiêu dùng.

Nguồn: http://univistudio.com/brand-la-gi/