“Iwagumi” trong tiếng Nhật có nghĩa là “Hình dáng của đá”, do đó bố cục này đề cập đến kiến trúc đá, xác định chính xác vị trí và các góc cạnh của từng viên đá trong thiết kế. Về cơ bản, mỗi viên đá trong bố cục Iwagumi đều là một phần không thể thiếu của cấu trúc tổng thể.
Theo truyền thống, sẽ có tối thiểu ba viên đá trong một bể Iwagumi, tuy nhiên, bạn có thể tăng giảm số lượng đá để xây dựng nên một bố cục ưng ý.
Những con số lẻ
Iwagumi quy định sử dụng số lượng đá là số lẻ vì điều này giúp tạo sự tự nhiên, phá bỏ đi sự đối xứng trong bố cục (vốn gần như không có trong tự nhiên). Số lượng đá lẻ cũng khiến người xem không phân tách bố cục thành 2 phần khi nhìn vào, tạo nên sự liền mạch cho bố cục tổng thể.
Ngoài đá, Iwagumi cũng sử dụng cá và cây trồng ở mức độ tối thiểu. Người thực hiện bố cục cần cố gắng cân bằng tất cả các yếu tố trên để có thể tạo nên một thiết kế “tĩnh”.


Bố cục Iwagumi sử dụng đá và cây trồng ở mức độ tối thiều

Thiết kế và bố cục cơ bản
Mỗi viên đá trong bố cục iwagumi đều có tên riêng và vai trò cụ thể trong thiết kế tổng thể:
OYAISHI
Là viên đá lớn nhất, mang tính thẩm mỹ cao nhất trong toàn bộ thiết kế, Oyaishi luôn được sử dụng làm tâm điểm cho bố cục.
Là trọng tâm chính của bể, Oyaishi thường khá góc cạnh và được đặt nghiêng để thể hiện dòng chảy, sự bào mòn của nước.
FUKUISHI
Fukuishi là hòn đá lớn thứ hai trong bể cá của bạn và tương tự như Oyaishi, nó cần có sự liên quan đến màu sắc thiết kế tổng thể.
Theo truyền thống, nó được đặt ở bên trái hoặc bên phải của Oyaishi. Fukuishi sẽ đóng vai trò cân bằng cho Oyaishi.
SOEISHI
Hòn đá lớn thứ ba, nhiệm vụ của nó là làm nổi bật vẻ đẹp của các hòn đá chính.
SUTEISHI
Những viên đá nhỏ còn lại trong bố cục, Suteishi còn được coi là “vật hy sinh.” Mặc dù Suteishi không bao giờ là một phần chính của bố cục nhưng nó vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng phần còn lại của thiết kế.
Cây và cá được đề xuất
Cây trồng theo bố cục Iwagumi bị hạn chế để duy trì sự đơn giản, cân bằng với các thành phần chính là đá. Tuy nhiên thảm thực vật thường chỉ được dùng để tạo một không gian mở. Ngưu mao chiên lùn và trân châu ngọc trai là những lựa chọn phổ biến nhất.
Cá cũng cần được tối giản, sự xuất hiện của cá thể hiện tính “động” bù trừ cho cái “tĩnh” của bố cục. Tam giác, sóc đầu đỏ và neon là những loài được sử dụng phổ biến nhất trong phong cách này. Tránh sử dụng cá lớn vì chúng sẽ tạo ra sự mất cân bằng.


Cá thể hiện tính động bù trừ cho bố cục tĩnh của đá

Những thách thức của phong cách Iwagumi
Phong cách Iwagumi thoạt nhìn có vẻ dễ chơi hơn các phong cách phổ biến khác, tuy nhiên rất khó để thiết kế duy trì. Ví dụ, sự bó hẹp trong chủng loại và số lượng động thực vật làm hạn chế nguyên liệu thiết kế của bạn.
Các loại cây được sử dụng trong phong cách Iwagumi thường là loại bám rễ rất sâu, khiến cho việc đảm bảo hệ thống dinh dưỡng và thay đổi cây trồng trở nên khó khăn.