Ô nhiễm biển là hiện tượng làm biến đổi, xáo trộn các thành phần hoá học của nước biển gây ra do các hoạt động trên biển như vận tải (dầu lan vào nước biển khi các tàu chở dầu bị đắm hoặc các tàu hàng, tàu khách tẩy rửa các thùng nhiên liệu mới...), khai thác dầu lửa (sự rò rỉ dầu từ các dàn khoan, các ống dẫn dầu, các nhà máy lọc dầu...), hoặc do các nguồn ô nhiễm phát sinh từ đất liền (các chất thải phóng xạ độc hại do các nước công nghiệp dùng tàu đổ xuống biển...) ảnh hưởng tới đời sống của các loài sinh vật dưới biển và tác động xấu đến sự tăng trưởng, phát triển của chúng.


>> Xem thêm: Ô nhiễm đất là gì?

Các nguồn ô nhiễm nhân tạo

Tràn dầu ra biển

Trong tương lai, do khan hiếm nguồn trên lục địa, sản lượng khai thác khoáng sản đáy biển sẽ gia tăng đáng kể. Trong số đó, việc khai thác dầu khí trên biển có tác động mạnh mẽ nhất đến môi trường biển. Hiện tượng rò rỉ dầu từ giàn khoan, các phương tiện vận chuyển và sự cố tràn dầu có xu hướng gia tăng cùng với sản lượng khai thác dầu khí trên biển. Vết dầu loang trên nước ngăn cản quá trình hoà tan oxy từ không khí. Cặn dầu lắng xuống đáy làm ô nhiễm trầm tích đáy biển. Nồng độ dầu cao trong nước có tác động xấu tới hoạt động của các loài sinh vật biển. Các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi Việt Nam đang tăng lên hàng năm. Các vùng có các hoạt động dầu khí là vùng biển Việt Nam, vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan và Quần đảo Trường Sa. Các hoạt động thông thường kèm theo việc khai thác và vận chuyển dầu gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng do dầu.


Ô nhiễm do đổ chất thải xuống sông, hồ

Sông là nguồn vận chuyển chủ yếu các chất gây ô nhiễm đổ vào biển và đới bờ. Chất thải không được xử lý đang được đổ xuống sông của Việt Nam. Kim loại và nhiều loại thuốc trừ sâu (như DDT) tích luỹ sinh học trong cá và các động vật khác. Tình trạng này có hại sức khoẻ của các động vật này và có thể gây tử vong. Con người khi sử dụng chúng làm thức ăn sẽ chịu ảnh hưởng của sự tích luỹ sinh học này và có nguy cơ gặp rủi ro nguy hại đến sức khoẻ. Hàm lượng dầu cao ở các cửa sông có thể gây thiệt hại nặng nề các nguồn tài nguyên biển và cửa sông như cá, tôm, cua…Nước cống rãnh không được xử lý và các chất gây ô nhiễm từ công nghiệp và nông nghiệp đang đổ vào các sông của Việt Nam. Các con sông này đổ ra biển, làm ô nhiễm môi trường biển và đới bờ.


Ô nhiễm do các hoạt động công nghiệp

Công cuộc công nghiệp hoá được gắn với tình trạng ô nhiễm gia tăng. Ô nhiễm do kim loại nặng thải ra từ các ngành công nghiệp là một mối đe doạ nghiêm trọng đối với sức khoẻ nhân dân và sự an toàn của hệ sinh thái. Các nguồn ô nhiễm từ lục địa theo sông ngòi mang ra biển như dầu và sản phẩm dầu, nước thải, phân bón nông nghiệp, thuốc trừ sâu, chất thải công nghiệp, chất thải phóng xạ và nhiều chất ô nhiễm khác. Hàng năm, các chất thải rắn đổ ra biển trên thế giới khoảng 50 triệu tấn, gồm đất, cát, rác thải, phế liệu xây dựng, chất phóng xạ. Một số chất thải loại này sẽ lắng tại vùng biển ven bờ. Một số chất khác bị phân huỷ và lan truyền trong toàn khối nước biển.


>> Xem thêm: Tình hình ô nhiễm môi trường

Một số giải pháp hạn chế ô nhiễm biển

- Cần thiết phải có một chiến lược tổng thể lâu dài bảo vệ môi trường biển.

- Tăng cường nhân lực cho cơ quan Trung Ương.

- Thành lập thêm cơ quan nghiên cứu và cơ sở địa phương để đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường tại chỗ.

- Tuyển mộ và huấn luyện chuyên gia về chống ô nhiễm biển. Thành lập các khu vực bảo tồn ngoài biển, ven biển, vùng ngập nước.

- Thiết lập kế hoạch phòng ngừa và ứng phó tai nạn tràn dầu. Tìm tòi nguồn trợ giúp từ nước ngoài nếu tai nạn quá trầm trọng không đủ sức ứng phó.


- Đưa vào chương trình học đường và giáo dục đại chúng ý thức bảo vệ môi sinh biển. Cần thêm phương tiện truyền thông quảng bá để ý thức đi sâu vào mọi từng lớp dân chúng.

- Gia nhập các công ước và tổ chức quốc tế liên hệ tới môi sinh biển. Tổ chức cần thiết như IMO... công ước như: Công ước về trách nhiệm dân sự, công ước về nhấn chìm, công ước về sẵn sàng ứng phó, công ước về quy định đền bù thiệt hại môi trường...

- Ban hành những luật lệ áp dụng cho công nghiệp về chất thải hay biện pháp chống ô nhiễm theo tiêu-chuẩn chung quốc tế. Luật lệ áp dụng cho cá nhân như khói xe, việc dùng chất nổ đánh cá... cũng cần duyệt xét lại.

- Phối hợp các chương trình môi sinh Rừng, Biển, Bờ. Nhiều biện pháp đã khởi sự tốt cho rừng núi, đồng bằng. Đã đến lúc phải dành nỗ lực thêm cho việc bảo vệ Biển.

- Kiểm soát việc thi hành. Trang bị các tàu nghiên cứu Hải Dương học.