Ô nhiễm tiếng ồn hiện chỉ đứng sau ô nhiễm không khí về mức độ nguy hại, nó không chỉ ảnh hưởng tới thính giác mà còn đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần…

Từ lâu nay, người dân Hà Nội không chỉ chịu cảnh ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí mà còn phải gánh chịu thêm hàng chục tiếng ồn các loại. Đường phố Hà Nội vào giờ cao điểm như một bản “hợp xướng” với đủ loại âm thanh hỗn loạn: tiếng động cơ xe xen lẫn với những tiếng còi xe ing ỏi, nhiều thể loại âm nhạc được bật với công suất lớn từ các cửa hàng, trung tâm điện máy nhằm thu hút sự chú ý của người đi đường.

Sinh viên Nguyễn Thị Thúy (đang năm 3 một trường đại học ở Hà Nội) hàng ngày phải đi bộ qua hàng loạt shop quần áo thời trang, chia sẻ: “Tôi cảm thấy mình bị làm phiền. Nhiều khi đi học về mệt, cảm giác rất đau đầu bởi vì có rất nhiều tiếng ồn. Nhất là khi đi gần những cửa hàng mới khai trương, những âm thanh chói tai khiến tôi bị đau đầu”. Tag: âm thanh karaoke


Trong khi đó, người dân của không ít các khu đô thị, khu chung cư đang ngày đêm phải chịu đựng những âm thanh chói tai của các công trình xây dựng xung quanh, hay âm nhạc từ các nhà hàng ăn uống, các quán cà phê ngay dưới phía dưới tòa nhà. Đó là chưa kể, những phố nhậu vẫn còn vang mãi những âm thanh chúc tụng, xen lẫn những giọng ca lả lướt mãi đến tận đêm khuya.

Một cư dân sống tại chung cư ở mặt đường Trần Phú Hà Đông, phản ánh: “Một loạt các quán cà phê ở dưới tầng B1, mặt Mỗ Lao buổi tối họ bật nhạc rất to và bật đến khuya. Cho nên những nhà ở tầng từ 6-12 luôn phải chịu đựng tiếng ồn đến 11-12h đêm. Chúng tôi đã nhiều lần đến gặp chủ các nhà hàng như vậy, họ chỉ gật đầu hứa hẹn nhưng đâu vẫn vào đấy”.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu sức khỏe và nghề nghiệp, Bộ Y tế tại 12 đường và nút giao thông chính tại Hà Nội, ô nhiễm tiếng ồn ở các đô thị và khu công nghiệp tại Hà Nội đều vượt mức cho phép. Mức độ tiếng ồn đo được tại các khu vực đông người qua lại là 77,8dB (đề-xi-ben), có những nơi đo được là 94,2 dB, vượt tiêu chuẩn hơn 20 DB. Trong đó, ô nhiễm tiếng ồn từ giao thông là chủ yếu do thói quen sử dụng còi xe vô tội vạ. Trung bình mỗi tháng, Hà Nội đang có thêm hơn 27 nghìn ô tô, xe máy, xe đạp điện được cấp biển số để đổ ra đường. Đó là chưa kể 1,2 triệu phương tiện từ ngoại tỉnh vào Hà Nội tham gia giao thông. (Số liệu từ Phòng CSGT Công an Hà Nội). Bên cạnh đó, một số phương tiện giao thông còn sử dụng còi hơi, hay tình trạng xe máy sử dụng pô xe không đúng quy định, cũng làm gia tăng tình trạng ô nhiễm tiếng ồn. Tag: am thanh karaoke

PGS-TS Nguyễn Duy Bảo, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu sức khỏe và nghề nghiệp (Bộ Y tế), cho biết ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, gây hiện tượng nhức đầu, khó ngủ, rối loạn giấc ngủ, không tập trung chú ý, phân tán ra, ảnh hưởng trực tiếp tới cơ quan tim mạch, cơ quan thần kinh. Ông Bảo phân tích: “Ảnh hưởng đầu tiên là cơ quan cảm nhận đầu tiên là cơ quan thính giác, ảnh hưởng đến tai. Qua kết quả khám, so sánh giữa nhóm nghiên cứu và nhóm đối chứng, tức là nhóm dân cư sống ven đường giao thông có mật độ cao so với những đường có ít phương tiện đi lại. Vì thế thấy các bệnh liên quan đến viêm tai..."

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong ba thập niên trở lại đây, nạn ô nhiễm tiếng ồn ngày càng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của con người, nhất là tại các nước đang phát triển. Các chuyên gia y tế cho rằng, ô nhiễm tiếng ồn hiện chỉ xếp sau ô nhiễm không khí về những tác động đến sức khỏe của người dân.

Chính quyền làm ngơ…?!

Tiếng ồn giao thông là nguyên nhân chủ yếu của ô nhiễm tiếng ồn đô thị, nhưng lâu nay, nhiều người dân vẫn phải âm thầm chịu đựng mà không biết kêu ai. “Thực ra tôi cũng không biết gọi cơ quan chức năng hay nhờ sự giúp đỡ của cơ quan chức năng như thế nào. Tiếng ồn từ động cơ xe, còi xe là điều cần thiết trong giao thông, một phần nó là do ý thức của người dân nên khá khó điều chỉnh”, chị Nguyễn Thị Thúy cho biết thêm.

Ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, gây ra những ức chế, khó chịu và làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân đô thị. Đặc biệt, những hộ gia đình sống gần các cửa hàng kinh doanh karaoke, tình trạng này càng trở nên tồi tệ, họ phải chịu đựng những âm thanh lớn trong cả những giờ nghỉ trưa hay đêm muộn. Nhiều người cho biết, đã không ít lần phản ánh đến tổ dân phố, chính quyền phường xã nhưng vẫn vô vọng. Anh Hoàng Văn L. ở phường La Khê, quận Hà Đông, phản ánh: “Nhiều lần họp tổ dân phố, có nhiều ý kiến phản ánh về tình trạng quán karaoke mở quá thời gian quy định nhưng đại diện tổ dân phố cho biết, là cái này do phường, lực lượng công an phường giải quyết, tổ dân phố chỉ có quyền phản ánh lên còn việc giải quyết chưa đến nơi đến chốn, thành thử ra người dân rất bức xúc.” Tag: thiet ke karaoke vip

Ngay cả tình trạng các công trình xây dựng nhà cao tầng, các đô thị lớn ngay gần khu dân cư, quá trình thi công dài hàng năm trời nhưng không thực hiện các biện pháp hạn chế tiếng ồn cho khu vực dân cư xung quanh mà người dân cũng không biết phải kiến nghị đến cơ quan nào. (?)

Trong khi đó, tại một số khu vực khác, mặc dù người dân đã phản ánh lên UBND phường, thậm chí nhiều nơi chính quyền phường đã cử người xuống kiểm tra, nhắc nhở nhưng chỉ được vài hôm, tình trạng “ đâu vẫn hoàn đấy”.

Tiếng ồn mở quá công suất hay vượt quá thời gian quy định là việc ai cũng có thể nhận thấy, nhưng công tác kiểm soát xử lý dường như vẫn còn bỏ ngỏ. Nhiều ý kiến cho rằng có hay không việc “đá quả bóng trách nhiệm” giữa chính quyền các cấp.?!


Lý giải về cách thức phân cấp trách nhiệm quản lý tiếng ồn theo thẩm quyền, ông Hoàng Văn Thức- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường), cho biết theo quy định của pháp luật, Bộ GTVT có trách nhiệm quản lý tiếng ồn từ giao thông, Bộ xây dựng có trách nhiệm quản lý và kiểm soát tiếng ồn từ các hoạt động xây dựng, Chính quyền địa phương tại các cấp phải có các quy định và chế tài kiểm soát về bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý.(bao gồm các tuyến đường giao thông, các khu dân cư, các khu đô thị..). Tuy nhiên, ông Thức thừa nhận thực tế, hiện nay chính quyền địa phương chưa làm tốt vai trò kiểm soát tiếng ồn, đa phần chưa thực hiện sát sao, quyết liệt và đi vào nề nếp. Hiện mới chỉ có thành phố Đà Nẵng làm tốt công tác này.

Quy định có, xử phạt không dễ

PGS-TS Phạm Đức Nguyên- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội môi trường Xây dựng Việt Nam cho rằng, hiện nay Việt Nam đã có một số Tiêu chuẩn và Quy chuẩn về bảo đảm tiện nghi tiếng ồn. Trong đó, quan trọng nhất là Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 26 năm 2010 của Bộ Tài nguyên và môi trường quy định mức ồn tối đa cho phép theo 2 khung thời gian ban ngày (6 – 21 h) và ban đêm (21 – 6h).

Đối với khu vực đặc biệt (bệnh viện, nhà trẻ, trường học, thư viện mức ồn tối đa cho phép lần lượt là 55 Đề-xi-ben-na (dBA) và 45 dBA, trong khi các khu vực thông thường (nhà ở, nhà làm việc …) mức ồn tối đa là 70 dBA và 55 dBA. Ngoài ra, còn có Tiêu chuẩn Việt Nam số 3985 (năm 1999) quy định mức ồn cho phép trong các nhà máy, xí nghiệp và Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 175 (năm 2005) quy định về mức ồn cho phép trong nhà công cộng, PGS-TS Phạm Đức Nguyên cho rằng hiện nay đang còn một số bất cập về về tiêu chuẩn tiếng ồn đối với phương tiện cá nhân ở trong TCVN 6436:1998.

Ông Nguyên dẫn chứng: "Mức ồn tối đa cho phép của xe máy tại Việt Nam là 95 – 99 dBA, trong khi ở châu Âu là 82 – 84 dBA, xe 500 cm3 cũng chỉ là 86 BA. Ô tô từ 103 dBA (xe con) đến 110 dBA, trong khi ở châu Âu 84 – 92 dBA”.

Còn theo luật sư Phạm Thành Tài - Giám đốc công ty Luật Phạm Danh, cho biết Thông tư 39 của Bộ Tài Nguyên Môi trường quy định cụ thể về việc xác định tiếng ồn, giới hạn tiếng ồn tối đa cho phép theo từng khu vực. Bên cạnh đó, Nghị định số 155 năm 2016 quy định về xử phạt hành chính về các hành vi vi phạm đối với gây tiếng ồn vượt quá Quy chuẩn tiếng ồn gây ra.

Và cả những màn "tra tấn lỗ tai" của phòng trào Karaoke từ tại gia ra vỉa hè. Ảnh: Thanh Niên

Theo các chuyên gia môi trường, mặc dù các quy định về kiểm soát tiếng ồn tại các khu đô thị cũng đã có song đa phần, chính quyền địa phương chủ yếu sử dụng biện pháp nhắc nhở là chính, rất ít các trường hợp xử lí vi phạm về tiếng ồn nên tính răn đe chưa cao. Rồi việc phối hợp giữa chính quyền địa phương và các đơn vị có thẩm quyền chịu trách nhiệm về thanh tra, kiểm tra tiếng ồn còn lỏng lẻo… Trong khi đó, người dân đã phải “gánh” các loại thuế, phí môi trường nhưng tình trạng ô nhiễm tiếng ồn đô thị ngày càng gia tăng.

Giải pháp nào?

Thống kê của tổ chức thế giới về âm học cho thấy, cứ khoảng 10 năm tiếng ồn do giao thông trong các đô thị lại tăng gấp 2 lần, nghĩa là lớn hơn khoảng 10 DexiBen (đơn vị đo tiếng ồn). Đối với đô thị như Hà Nội và TP.HCM có tốc độ đô thị hóa trên 30% với nhiều công trình xây dựng, ô nhiễm tiếng ồn ngày càng trở nên nguy hiểm nếu không có các biện pháp giải quyết.

PGS-TS Phạm Đức Nguyên - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội môi trường Xây dựng Việt Nam, cho rằng giải pháp căn cơ là ngay từ khâu quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông cần thực hiện những giải pháp chống tiếng ồn: “Người thiết kế, quy hoạch giao thông cần phải đưa ra những giải pháp sáng tạo hợp với điều kiện Việt Nam đặc biệt về giao thông: không bao giờ làm nhà, làm phố bám 2 bên đường giao thông, không bố trí các trục đường đô thị đi qua các khu nhà ở, nếu bố trí phải có giải pháp chống tiếng ồn, rồi làm sao phân khu hợp lý công trình xây dựng”.

Nguồn: nguoidothi.net.vn/o-nhiem-tieng-on-loi-tai-ai-15779.html