Câu hỏi: Xin kính chào luật sư, tôi có một vấn đề vướng mắc mong luật sư giải đáp giúp tôi. Cuối năm 2018 gia đình tôi có mua một căn hộ chung cư tại tòa nhà A. Do được người môi giới hướng dẫn nên tôi đã mua căn hộ này dưới hình thức là ủy quyền sử dụng, quản lý và định đoạt từ chủ sở hữu sang cho tôi. Sau khi mua xong thì tôi mới được mọi người tư vấn là nếu mua theo hình thức ủy quyền như thế thì sẽ gặp rất nhiều rủi ro sau này. Luật sư cho tôi hỏi việc mua bán như thế có thể gặp phải rủi ro gì? Mong luật sư sớm hồi đáp, tôi xin trân trọng cảm ơn luật sư rất nhiều!

Mua chung cư từ hợp đồng ủy quyền

Luật sư tư vấn
Trước tiên chúng tôi xin cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến cho chúng tôi. Liên quan đến vấn đề của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau:

Qua những thông tin sơ bộ mà bạn cung cấp thì qua môi giới hướng dẫn bạn đã mua một căn hộ trung cư và việc mua bán đó được thực hiện dựa trên Hợp đồng ủy quyền quản lý, sử dụng và định đoạt quyền sở hữu căn hộ chung cư. Điều này rất bất lợi cho các bên và đặc biệt là bên mua bởi vì bản chất của việc ủy quyền này là việc mua bán chuyển nhượng căn hộ chung cư. Hiện nay rất nhiều người thực hiện mua bán theo hình thức này mà không biết rằng việc mua bán này gặp rất nhiều rủi ro. Cụ thể như các rủi ro pháp lý sau:

– Trường hợp người ủy quyền chết thì việc đại diện theo ủy quyền của bạn sẽ chấm dứt căn cứ theo điểm đ khoản 3 Điều 140 Bộ luật Dân sự năm 2015. Như vậy thì việc ủy quyền sử dụng, quản lý và định đoạt này sẽ chấm dứt, điều này gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của bạn trong giao dịch mua bán căn hộ trên.

Bên cạnh đó theo quy định của pháp luật về thời hạn ủy quyền thì nếu trong Hợp đồng ủy quyền của bạn mà không có thỏa thuận về thời hạn ủy quyền thì thời hạn ủy quyền chỉ có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày ký hợp đồng ủy quyền căn cứ theo quy định điểm b khoản 1 Điều 140 Bộ luật Dân sự năm 2015, khoản 2 Điều 155 Luật Nhà ở năm 2014. Như vậy bạn cần xem lại hợp đồng ủy quyền đó nếu như Hợp đồng ủy quyền mà các bên thỏa thuận một thời hạn cụ thể thì việc ủy quyền chấm dứt khi hết thời hạn hợp đồng, điều này sẽ không đảm bảo quyền lợi của bạn trong giao dịch này.

Xem thêm: Luật sư đại diện giải quyết tranh chấp đất đai
Trình tự giải quyết tranh chấp đất đai mới nhất
– Trường hợp, bên bán có đơn khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên hợp đồng ủy quyền quản lý, sử dụng và định đoạt của bạn vô hiệu do giả tạo. Bởi vì nếu căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 117 và Điều 124 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của BLDS.

“Điều 124. Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo

Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.”

Do bản chất của giao dịch giữa bạn và chủ sở hữu căn hộ chung cư là giao dịch mua bán/chuyển nhượng căn hộ mà không phải là ủy quyền quản lý, sử dụng, định đoạt căn hộ nên căn cứ vào khoản 1 Điều 124 nêu trên thì khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu (tức Hợp đồng ủy quyền), giao dịch bị che giấu (tức Hợp đồng chuyển nhượng) vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp hợp đồng này cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự. Bên cạnh đó, còn có thể có 1 số rủi ro khác trong quá trình thực hiện việc ủy quyền như người đại diện mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Nếu còn thắc mắc về vấn đề mua chung cư thông qua hợp đồng ủy quyền, xin vui lòng liên hệ qua số điện thoại tổng đài tư vấn miễn phí: 1900.8698 để nhận sự hỗ trợ từ các Luật sư tư vấn sang tên sổ đỏ chúng tôi. Chúng tôi hy vọng với những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp cho bạn hiểu thêm hơn về vấn đề này.