Tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc diễn ra khá phổ biến hiện nay. Có nhiều lý do để bao biện cho hành động đó. Không thể phủ nhận rằng làm nghệ thuật cần có ý tưởng sáng tạo. cũng có thể mượn ý tưởng của một tác phẩm nào đó để sáng tạo ra tác phẩm của riêng minh. Nhưng nhiều nghệ sỹ lại sao chép toàn bộ ý tưởng của người khác để làm cho tác phẩm cho mình. Tình trạng nghệ sỹ vi phạm bản quyền âm nhạc hiện nay không còn gì xa lạ.

Tình trạng nghệ sỹ vi phạm bản quyền âm nhạc bài toán nan giả?
Từ lâu, nhiều sự vụ nghệ sỹ vi phạm bản quyền âm nhạc ở nước ta đã tốn không ít giấy mực báo giới. Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (sau đây gọi tắt là Trung tâm), tình trạng xâm phạm quyền tác giả âm nhạc hiện nay khá phổ biến, diễn ra ở nhiều lĩnh vực như biểu diễn, website, ứng dụng, nhà hàng, khách sạn...Với nhiều hình thức vi phạm khác nhau gồm sử dụng tác phẩm không xin phép, sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến tác giả. Sự phát triển không ngừng của công nghệ số cũng như internet càng làm cho tình trạng này diễn ra phổ biến, nhiều chiêu thức tinh vi hơn. Vấn nạn vi phạm bản quyền không những gây thiệt hại cho các chủ sở hữu quyền tác giả, gây bức xúc trong xã hội mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong bối cảnh chúng ta đã là thành viên của nhiều điều ước quốc tế về bản quyền như Công ước Berne, Hiệp định Trips…

Mới đây, Văn phòng phía Nam của Trung tâm cho biết, năm 2018 vừa qua, đơn vị này đã gửi cảnh báo và báo cáo vi phạm về quyền tác giả đối với nhiều website, ứng dụng, các link vi phạm quyền tác giả. Trung tâm đã xử lý trên 2.000 trường hợp vi phạm, hơn 71.579 tỷ đồng tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc được Trung tâm phía Nam thu về, tăng 10% so với năm 2017. Đặc biệt, cách đây không lâu, 40 nhạc sĩ ở Việt Nam đã lên tiếng tố cáo Công ty Sky Music (trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh) vi phạm bản quyền và các nhạc sĩ sẽ khởi kiện công ty này nếu tiếp tục sai phạm. Sự việc này ngay lập tức làm nóng dư luận, giới nhạc sĩ cũng bức xúc.

Được biết, Công ty Sky Music đến nay đã đi vào hoạt động được gần sau 6 năm. Trên website, công ty tự giới thiệu là đơn vị tiên phong trong việc sử dụng công nghệ để quản lý và khai thác nội dung cũng như các tác phẩm âm nhạc trên nhiều nền tảng, đồng thời cho phép nghệ sĩ sử dụng phương tiện để theo dõi nguồn thu của mình. Tuy nhiên, 40 nhạc sĩ tại Việt Nam cho biết, Công ty Sky Music vi phạm bản quyền gần 2.000 tác phẩm của khoảng 200 nhạc sĩ do Trung tâm đại diện. Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết, Sky Music lấy dữ liệu từ một website nghe nhạc trực tuyến là đối tác của Trung tâm, tuyên bố sở hữu quyền tác giả và tự ý làm việc với nhiều nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, thu tiền bản quyền nhưng không trả cho tác giả. Nhận định về trường hợp này, nhạc sĩ Phó Đức Phương - Cố vấn Trung tâm cho rằng: “Đây là trường hợp vi phạm bản quyền nguy hiểm, nghiêm trọng bởi Sky Music đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhiều đơn vị kinh doanh để trục lợi”.

Không khó để nhận thấy, việc vi phạm bản quyền âm nhạc là “chuyện thường ngày ở huyện” ở nước ta và chẳng loại trừ từ tân binh đến ca sĩ đã thành danh. Nhiều ca sĩ ở nước ta đã ít nhiều phai nhạt hình ảnh khi bị phát hiện vi phạm bản quyền. Năm vừa qua, ca sĩ Phạm Hồng Phước ra mắt ca khúc Khi chúng ta già nhưng không ghi rõ tên tác giả bài thơ cùng tên khiến người yêu nhạc dậy sóng, bởi đây là hành vi vi phạm bản quyền tác phẩm. Ca sĩ Mỹ Tâm cũng phải gỡ bỏ clip Anh thì không khi nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng lên tiếng không được giới thiệu là tác giả lời Việt của ca khúc. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cuối tháng 10/2018 lại gửi đơn báo cáo vi phạm tới Trung tâm về việc ca khúc Nhật ký của mẹ do nhạc sĩ sáng tác đã được sử dụng trong bộ phim Quỳnh búp bê mà chưa được sự đồng ý của tác giả. Ngoài ra, các ca sĩ Thu Phương, Tóc Tiên, Bảo Thy... từng tạo ra lùm xùm trong vi phạm quyền tác giả và quyền sở hữu liên quan đến các tác phẩm âm nhạc, khiến họ mất điểm trước người hâm mộ.

Theo đánh giá của đại diện Trung tâm, thanh tra Bộ VH-TT&DL cũng rất quan tâm về mặt xử lý vi phạm hành chính trong suốt thời gian qua. Ngoài ra, thanh tra, lực lượng kiểm tra liên ngành tại một số địa phương đã hoạt động rất tích cực để phát hiện, xử phạt các vụ việc vi phạm. Dù vậy, trước tình trạng vi phạm tràn lan ở lĩnh vực âm nhạc biểu diễn và sử dụng trong môi trường số thời gian gần đây, nhiều ý kiến đề xuất cần có các biện pháp mạnh và kịp thời hơn mới có thể ngăn chặn hành vi xâm phạm bản quyền. Bởi thực tế chỉ ra rằng, tổ chức, cá nhân khi bị phát hiện vi phạm thường có chung câu trả lời vô tư “không hiểu luật”. Người vi phạm bị tố cáo nhận lỗi là xong, còn các tác giả lại thường ngại kiện tụng, va chạm làm to chuyện nên dễ dàng cho qua. Ðiều này đã vô tình tiếp tay cho sự dễ dãi, cẩu thả trong hoạt động nghệ thuật nói chung và thói quen “xài chùa” tác phẩm âm nhạc nói riêng.