Từ một cậu bé nghèo phải nghỉ học giữa chừng, Và Bá Ka - một thanh niên người Mông ở xã vùng cao biên giới Nhôn Mai (huyện Tương Dương, Nghệ An) trở nên giàu có nhờ chăm chỉ, siêng năng và làm ăn có kế hoạch. Gần đây, người dân Nhôn Mai còn gọi anh là “Vua chanh leo”.
Chăn nuôi trâu, bò dễ lắm!

Ở Nhôn Mai bây giờ có nhiều hộ thu nhập trên dưới 300 triệu đồng/năm từ chăn nuôi gia súc và phát triển cây chanh leo. Nhưng ở độ tuổi trên 30 mà đã sở hữu gần 50 con trâu, bò và 650 gốc chanh leo, có lẽ chỉ mỗi Và Bá Ka (sinh năm 1986) ở bản Thằm Thẩm. Nhìn vào cơ ngơi ấy, ít ai nghĩ rằng chàng thanh niên người Mông này một thời từng phải sống trong cảnh đói nghèo, thiếu thốn, phải nghỉ học giữa chừng. “Học đến lớp 11, gia đình túng thiếu, trường cách nhà hơn 100 cây số, nên tôi phải nghỉ học để giúp đỡ bố mẹ. Nghĩ lại, đến bây giờ tôi vẫn không tin mình có đủ nghị lực để vượt qua” - Ka tâm sự.


Ngày ấy, ở Thằm Thẩm và Huồi Cọ chưa có đường, chỉ có lối mòn của người đi bộ gùi lúa, ngô về bản. Muốn đến trung tâm xã phải mất đúng một ngày đường, ra học THPT ở thị trấn Hòa Bình mất 3 ngày vừa đi thuyền, vừa cuốc bộ, vai mang bao gạo và một ít thức ăn. Nhà nghèo, lại đông anh em, bữa no bữa đói, quần áo sờn rách không có để thay, nên đến lớp 11 Ka đành gác lại ước mơ con chữ để về với nương rẫy, với đèo dốc cheo leo chốn thâm sơn cùng cốc. Rồi như bao người đàn ông dân tộc Mông, anh Ka mải miết với cây lúa, cây ngô và săn bắn thú rừng, xấp xỉ tuổi 20 đã cưới vợ và làm bố, cuộc sống gia đình luôn trong cảnh túng thiếu, đói nghèo.

Tưởng rằng đói nghèo sẽ đeo bám mãi gia đình Ka như một định mệnh, nhưng cuộc sống đã bắt đầu đổi thay cách đây 12 năm. Năm 2007, vợ chồng Ka được vay 10 triệu đồng theo chính sách xóa đói, giảm nghèo. Có chừng ấy tiền trong tay, sau bao đêm suy nghĩ, anh mạnh dạn mua 2 con bò cái sinh sản để phát triển chăn nuôi, vì trâu, bò gắn bó với anh từ khi còn nhỏ. Hơn nữa, chăn nuôi gia súc là nghề truyền thống bao đời của người Mông nên anh đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm. Núi đồi nhiều, địa bàn chăn thả rộng, ít bị dịch bệnh nên việc chăn nuôi bò của gia đình Ka gặp nhiều thuận lợi. Từ 2 con bò giống ban đầu, 1 năm sau tăng lên 4 con, rồi năm tiếp theo tăng lên 8 con, cứ thế hằng năm đàn bò dần được tăng lên. Chưa kể, khi trả hết nợ, có thêm tích lũy, Ka tiếp tục mua thêm trâu, bò để tăng đàn.

Đến nay, sau 12 năm, từ 2 con bò giống ban đầu, tổng đàn của Và Bá Ka đã xấp xỉ 50 con, nghĩa là anh đang có trong tay hàng tỉ đồng. Cùng với đàn trâu, bò, trong chuồng của gia đình còn có 10 con lợn và hàng trăm con gà đen, cũng là một nguồn thu nhập đáng kể, giúp nâng cao đời sống, mua sắm tiện nghi sinh hoạt gia đình và cho các con ăn học.

Ở đây có nhiều khe suối, nguồn nước khá dồi dào, học theo bà con người Thái, vợ chồng Và Bá Ka khai hoang được 0,5ha ruộng nước. Khí hậu lạnh, mỗi năm chỉ gieo cấy một mùa nhưng vẫn bảo đảm nhu cầu lương thực cho cả năm, có khi còn dư để chăn nuôi gà, vịt. Vườn nhà có độ dốc thoai thoải, Ka trồng 50 gốc mận, hơn 200 gốc đào để bán cành vào dịp Tết, lại có thêm một nguồn thu. Ka cho hay: “Nuôi trâu, bò, lợn, gà dễ lắm, chỉ cần khoanh vùng để chăn thả và kiếm thêm nguồn thức ăn, chú ý tiêm phòng dịch bệnh. Có điều là phải siêng năng, chịu khó, quyết tâm và dám nghĩ, dám làm”.

Bản Thằm Thẩm ở độ cao trên 1.000m, hội đủ điều kiện thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thực tế, chăn nuôi luôn là thế mạnh của bà con người Mông ở vùng đất xa xôi này, các loại vật nuôi thường sinh trưởng tốt và ít bị dịch bệnh. Nhưng có điều, một phần do tập quán, phần khác do thiếu vốn, nên trước kia phần lớn các hộ gia đình chỉ nuôi 3-5 con trâu, bò, gần đây mới có nhiều hộ sở hữu đàn gia súc hàng chục con, trong đó Và Bá Ka là một trong những người tiên phong.

Địu con lên rẫy chanh leo

Bản Thằm Thẩm cách địa bàn xã Tri Lễ (Quế Phong) chỉ một con dốc, nơi có diện tích cây chanh leo rất lớn, nhiều hộ có thu nhập cao.


“Mỗi lần sang Tri Lễ, thấy những đồi chanh leo ngút ngàn, giúp nhiều người làm giàu, tôi thèm muốn và mong một ngày loài cây này sẽ được đem sang trồng ở Nhôn Mai. Năm 2015, huyện triển khai trồng thử chanh leo, tôi lập tức đăng ký tham gia” - anh Ka kể lại. Ban đầu, gia đình Ka được cấp 269 cây chanh leo, anh quyết định bỏ rẫy lúa, vợ chồng thay nhau cuốc đất, đào hố, bao giọt mồ hôi đã thấm xuống những gốc chanh. Mùa đầu, chanh leo cho năng suất cao, quả to và mọng nước, cho gia đình anh nguồn thu gần 30 triệu đồng, nhiều gấp hàng chục lần so với trồng lúa. Những mùa sau, chanh leo tiếp tục cho năng suất và lợi nhuận cao… Tag: tôm bệnh đốm trắng

Diện tích chanh leo của Và Bá Ka dần được mở rộng, toàn bộ rẫy lúa được chuyển sang trồng chanh leo, nay số lượng đã lên 650 gốc. Diện tích và số lượng cây chanh leo tăng đồng nghĩa với thu nhập cũng cao hơn. Năm 2019, dự kiến chanh leo sẽ mang về cho gia đình Ka gần 100 triệu đồng thu nhập. Thằm Thẩm có khoảng 10 hộ trồng chanh leo, nhưng rẫy chanh leo của Ka tốt nhất, quả sai và mọng nhất.

Chia sẻ bí quyết, Ka cho biết: “Trồng chanh leo không khó, nhưng phải chăm sóc đúng kỹ thuật đã được phổ biến, thường xuyên theo dõi sự sinh trưởng của vườn cây để có những điều chỉnh kịp thời”. Sự siêng năng của Và Bá Ka thì hầu hết người dân Nhôn Mai đều phải nể phục, vì không mấy khi thấy anh ở nhà, khi thì vào rừng trông đàn trâu, bò, khi thì ra rẫy làm cỏ, thu hái chanh leo. Thậm chí, khi con gái mới sinh được hơn 3 tháng tuổi, anh đã địu con trên lưng ra rẫy cắt tỉa, dọn dẹp từng gốc chanh. Vóc dáng nhỏ bé nhưng bước chân thoăn thoắt, bàn tay không lúc nào ngơi, từ chỗ nghèo khó, Và Bá Ka đã có của ăn, của để. Tag: tôm bệnh đốm đen

Và Bá Ka còn được biết đến là một Bí thư chi bộ nhiệt tình, luôn có ý thức vận động bà con dân bản phát triển chăn nuôi, trồng chanh leo để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhờ vậy, đời sống bà con người Mông và Khơ Mú ở Thằm Thẩm đang từng bước đổi thay.

Ông Lương Văn Hiệp - Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai - nói: “Và Bá Ka là người siêng năng, làm ăn có kế hoạch, là một điển hình về sản xuất giỏi, được báo cáo tại hội nghị cấp huyện. Đồng thời, Ka còn là một Bí thư chi bộ gương mẫu, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cộng đồng”.

Nguồn: petrotimes.vn/vua-chanh-leo-vung-cao-bien-gioi-541977.html