Bài viết sau đây công ty luật Lawkey sẽ cung bàn về thực trạng cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm hiện nay:
Cạnh tranh xuất hiện và tồn tại khách quan trong quá trình hình thành, phát triển của sản xuất hàng hoá và trở thành đặc trưng cơ bản của cơ chế thị trường. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, khi kinh tế phát triển, cạnh tranh sẽ diễn ra trên quy mô rộng hơn với mức độ gay gắt hơn trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong ngành dịch vụ như bảo hiểm.

1. Cạnh tranh thông qua hình thức hạ phí bảo hiểm

Việc hạ phí bảo hiểm nhằm có được thị phần hay giành được dịch vụ không phải là hình thức cạnh tranh mới song lại đang trở thành công cụ cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay. Trên thực tế, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã xuất hiện tình trạng có những sản phẩm bảo hiểm mức phí đã giảm từ 40-50%, thậm chí còn thấp hơn quy định của Bộ Tài chính rất nhiều lần. Để giành được dịch vụ, nhiều công ty bảo hiểm sẵn sàng hạ phí bằng mọi giá mà không tính đến hiệu quả kinh doanh. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh nói trên bắt đầu lan trên diện rộng từ khi các công ty sử dụng những cán bộ nhân viên không có nghiệp vụ bảo hiểm hay thực hiện chế độ khoán doanh thu phí bảo hiểm cho các chi nhánh, phòng bảo hiểm khu vực hay đại lý. Để đạt chỉ tiêu được giao khoán, các bộ phận này buộc phải chạy theo doanh số, không đánh giá, khảo sát rủi ro, bán sản phẩm bảo hiểm bằng mọi giá. Điểm qua tình hình cạnh tranh về phí của một số sản phẩm bảo hiểm cơ bản trong thời gian qua ta có thể nhận thấy rất rõ vấn đề này.

Đối với bảo hiểm hàng hóa, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã hạ mức phí từ 40-60%, kể cả đối với các mặt hàng nhạy cảm có tỷ lệ bồi thường cao. Với mặt hàng sắt thép, phí bảo hiểm đã giảm tới 70%. Trước đây, phí bảo hiểm mặt hàng này trung bình vào khoảng 0,14% tổng giá trị lô hàng. Hiện nay, có doanh nghiệp đã đưa ra mức phí hạ xuống còn 0,08%, rồi đẩy phí xuống còn 0,06% và gần đây nhất chỉ còn 0,05%. Với mặt hàng phân bón, phí bảo hiểm đã giảm từ 0,6% còn 0.3-0,35%.

Hiện nay tất cả các công ty bảo hiểm đều thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Ngoài các công ty bảo hiểm trong nước, đối tượng tiềm năng của sản phẩm này còn có các công ty bảo hiểm liên doanh, công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài, là những công ty có tiềm lực tài chính mạnh và có công ty mẹ sẵn sàng chịu lỗ để được bảo hiểm những lô hàng giá trị lớn. Trong khi đó, vì nôn nóng muốn giành thị phần, các công ty cổ phần bảo hiểm mới ra đời đã sẵn sàng hạ phí bảo hiểm đến “chóng mặt” đối với những khách hàng lớn, có nhiều tiềm năng để khai thác. Một sản phẩm rẻ hơn thông thường không thể có một chất lượng phục vụ tốt. Vì với mức phí bảo hiểm thấp, sản phẩm bảo hiểm đó không thể tái bảo hiểm được. Khi có tổn thất xảy ra, đặc biệt là với lô hàng có giá trị lớn, vượt quá khả năng thanh toán, hơn nữa lại không được tái bảo hiểm, khách hàng sẽ là người chịu nhiều thiệt thòi khi các quyền lợi bảo hiểm không được bảo đảm.

Dịch vụ bảo hiểm xây dựng, lắp đặt luôn là loại hình bảo hiểm có mức thu lời lớn do những rủi ro, tổn thất xảy ra với các công trình xây dựng là không nhiều. Mỗi năm, cả nước có thêm hàng ngàn công trình xây dựng mới, dịch vụ bảo hiểm các công trình xây dựng, lắp đặt cũng vì thế mà phát triển mạnh theo. Tuy nhiên, sản phẩm bảo hiểm này đang tiềm ẩn những rủi ro lớn do tình trạng nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đang cạnh tranh bằng cách giảm phí, kể cả chấp nhận phi kỹ thuật, có thể dẫn đến việc các hãng tái bảo hiểm từ chối chi trả nếu xảy ra sự cố. Theo quy định, để thực hiện một hợp đồng dịch vụ bảo hiểm xây dựng cho các công trình có vốn đầu tư trên 50 triệu USD, các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước (nhà bảo hiểm gốc) buộc phải thu xếp việc tái bảo hiểm với các doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài có mức độ tín nhiệm nhất định nhằm đảm bảo an toàn tài chính cho dự án. Thực tế có nhiều doanh nghiệp bảo hiểm trong nước đã chào phí thấp hơn cả mức phí của công ty tái bảo hiểm. Tình trạng này dẫn đến nguy cơ nếu có các sự cố dẫn đến phải bồi thường, các nhà tái bảo hiểm có thể sẽ từ chối thanh toán do hợp đồng của nhà bảo hiểm gốc với khách hàng không đúng tiêu chuẩn. Các công ty bảo hiểm gốc này không nhận thức được rằng chỉ cần một vụ tổn thất lớn xảy ra thì phí bảo hiểm tích lũy và lời lãi nhiều năm kinh doanh cũng không đủ chi trả bồi thường. Trong khi đó, các công ty bảo hiểm mới thành lập lại thường chưa có tích lũy nhiều từ các khoản dự phòng nghiệp vụ (bao gồm dự phòng dao động lớn). Hành vi này khiến cả khách hàng và công ty bảo hiểm gốc có thể sẽ phá sản. Đối với nghiệp vụ bảo hiểm đóng tàu, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đang cạnh tranh gay gắt và có những biểu hiện đáng báo động. Mặc dù nghiệp vụ này mới triển khai trong những năm gần đây, nhưng thị trường bảo hiểm đóng tàu là một thị trường đầy tiềm năng và hứa hẹn với các doanh nghiệp bảo hiểm. Bởi vậy, các doanh nghiệp đã cạnh tranh nhau giảm phí bảo hiểm chỉ còn 50% so với mức phí ban đầu. Có doanh nghiệp bảo hiểm đóng tàu 6.500 tấn với phí 0,25% trong khi đó biểu phí là 0,45% lại còn hoàn phí 10% khi tổn thất không xảy ra. Có thể thời gian đầu chưa có tổn thấy nhưng trong trường hợp rủi ro xảy ra tổn thất, mức độ bồi thường khi đó là rất lớn, nhất là trong bối cảnh các cơ sở đóng tàu ở Việt Nam mới được hình thành, thiếu chuyên nghiệp và khó có thể đảm bảo an toàn được.

Ngoài ra, tình trạng cạnh tranh bằng cách hạ phí bảo hiểm đang diễn ra ở rất nhiều nghiệp vụ khác dưới những hình thức khác nhau. Nghiệp vụ bảo hiểm con người có sự cạnh tranh gay gắt với việc bán bảo hiểm gộp nhóm từ 3-5 người nhằm giảm phí. Đối với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, xuất hiện tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra bản chào giá cả gói bao gồm cả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, bảo hiểm vật chất xe, bảo hiểm người ngồi trên xe, trong đó giảm phí hai loại bảo hiểm sau để hấp dẫn khách hàng. Đối với bảo hiểm các dự án lớn hơn như các dự án thủy điện nhỏ, một số doanh nghiệp bảo hiểm đua nhau hạ phí xuống rất thấp trong khi các nhà tái bảo hiểm lại không quản lý được rủi ro này.

Có thể nói, chưa bao giờ, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ lại cạnh tranh căng thẳng như hiện nay. Tình trạng hạ phí bảo hiểm thấp hơn phí tái bảo hiểm liên tục xảy ra dẫn đến sự phát triển không lành mạnh của thị trường bảo hiểm.

2. Tăng chi phí hoa hồng khai thác không đúng với quy định của nhà nước

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ hiện đang trong tình trạng càng làm càng lỗ hoặc gần như không có hiệu quả, do việc chi hoa hồng quá mức giữa các doanh nghiệp. Theo quy định, khi ký được hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm được phép chi từ 0,5% đến 20% hoa hồng (tùy loại hợp đồng) cho đại lý bảo hiểm hoặc tối đa không quá 15% cho công ty môi giới bảo hiểm. Tuy nhiên, trên thực tế, các đơn vị phải chi nhiều hơn để có được dịch vụ. Với tình trạng cạnh tranh như hiện nay, hoa hồng chi cao, phí bảo hiểm thấp và như vậy sẽ không đủ chi trả bồi thường cho khách hàng. Nếu xảy ra tổn thất phải bồi thường thì coi như hết lãi. Cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế phát triển nhưng lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm ngày càng thấp là một nghịch lý trong kinh doanh tại thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Mở rộng quá mức quyền lợi bảo hiểm không tính đến hiệu quả kinh doanh. Như đã phân tích ở trên, do sản phẩm bảo hiểm thường có tính tương đồng và tính quốc tế rất cao. Vì vậy, để có thể thâm nhập thị trường và nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần, ngoài cạnh tranh hạ phí bảo hiểm, tăng chi phí hoa hồng khai thác, các doanh nghiệp bảo hiểm còn áp dụng biện pháp mở rộng quá mức quyền lợi bảo hiểm để có thể dễ dàng ký kết được hợp đồng mà không tính đến hiệu quả kinh doanh.
Đối với bảo hiểm hàng hóa, các công ty môi giới bảo hiểm luôn đưa ra các điều khoản mở rộng trái tập quán bảo hiểm quốc tế như không áp dụng thu phí tàu già theo qui định đối với các tàu chở hàng nguyên chuyến (nhưng vẫn cấp debit note để người được bảo hiểm đòi nước ngoài), thiếu hàng trong container còn nguyên kẹp chì, điều khoản bảo hiểm cho các rủi ro bị loại trừ trong qui tắc bảo hiểm…, đã dẫn đến tình trạng phí thu ngày càng thấp nhưng trách nhiệm của người bảo hiểm ngày càng cao. Bên cạnh đó, các công ty môi giới bảo hiểm trong nước có thể do sự thiếu kiểm tra kiểm soát của nhà nước và muốn thuyết phục khách hàng nên môi giới đưa ra các điều khoản mở rộng không đúng với tập quán bảo hiểm như bảo hiểm hàng thiếu trong container còn nguyên kẹp chì, bảo hiểm các rủi ro bị loại trừ trong qui tắc bảo hiểm quốc tế… Như vậy, vô hình chung, các nhà bảo hiểm trong nước phải nhận cả rủi ro do người bán hàng ở nước ngoài gây ra và điều này dễ dẫn đến trục lợi bảo hiểm…

Có những trường hợp, khi không hạ phí, nhà bảo hiểm còn mở rộng điều kiện bảo hiểm không có trong nghiệp vụ để thu hút thêm khách hàng. Ví dụ, có doanh nghiệp bảo hiểm đã bảo hiểm chỉ cho hạ thủy tàu mà không phải là toàn bộ thời gian đóng tàu, chấp nhận rủi ro cao nhất trong điều kiện kỹ thuật hạ thủy của Việt Nam còn hạn chế để hạ phí bảo hiểm. Có doanh nghiệp còn cải tiến thời hạn bảo hiểm, kéo dài hạn hạ thủy chạy thử là 250 hải lý hoặc một tháng. Người được bảo hiểm được chọn một trong hai điều kiện đó nếu có lợi cho mình, trái với quy tắc là điều nào xảy ra trước thì chấm dứt.
Đối với lĩnh vực bảo hiểm cháy, nổ, cạnh tranh hạ phí, nới rộng điều kiện, điều khoản bảo hiểm đến mức không tưởng. Không những vậy, sự tác động của một số môi giới bảo hiểm làm ảnh hưởng xấu đến thị trường bảo hiểm nói chung như việc đưa ra đến 200 điều kiện mở rộng, bảo hiểm bổ sung không đồng bộ với nội dung đơn bảo hiểm và lấn sang phạm vi một số sản phẩm bảo hiểm khác.
Xem thêm: dịch vụ thành lập doanh nghiệp.

View more random threads: