Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo phòng trừ sâu keo mùa thu cho biết, mặc dù đang vào vụ ngô Đông ở phía Bắc nhưng diện tích ngô bị sâu keo mùa thu tấn công giảm mạnh, hiện chỉ có trên 5.000ha bị nhiễm.

Ngô là cây trồng chính trong vụ Đông ở các tỉnh phía Bắc. Theo kế hoạch, năm nay các địa phương gieo trồng khoảng 80.000ha ngô (trên tổng số 400.000ha cây trồng vụ Đông các loại). Theo báo cáo từ các địa phương, đến giữa tháng 11/2019, tổng diện tích ngô vụ Đông bị nhiễm sâu keo mùa thu vào khoảng hơn 5.300ha, giảm mạnh so với thời đỉnh điểm tháng 6-7/2019 cả nước có khoảng 23.000ha ngô bị nhiễm.

“Đang vào vụ ngô Đông ở phía Bắc, các nơi báo cáo về riêng sâu keo mùa thu giờ rất êm, không có vấn đề gì cả” – ông Hoàng Trung nhấn mạnh.


Tại Việt Nam, sâu keo mùa thu chính thức xuất hiện từ đầu năm 2019 và gây hại nặng nề trên cây ngô. Tuy nhiên, vào vụ ngô Đông do Bộ NN&PTNT và các địa phương tích cực áp dụng các biện pháp phòng trừ, nhất là việc áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp nên diện tích ngô bị sâu keo mùa thu tấn công giảm mạnh.

Hiện nay, cùng với biện pháp sử dụng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được phép sử dụng để phun trừ khi sâu đa số tuổi 1-3 (giai đoạn ngô 3-6 lá), phun sáng sớm hoặc chiều mát, Cục BVTV và các địa phương đang triển khai nhiều biện pháp để khắc chế sâu keo mùa thu như: thường xuyên thăm đồng ruộng, đặc biệt ở giai đoạn ngô 3-6 lá để phát hiện ổ trứng, ngắt tiêu hủy; sử dụng bẫy bả, bẫy đèn…

Đáng chú ý, theo ông Hoàng Trung, ngoài gây hại trên cây ngô thì sâu keo mùa thu khi được 4 trung tâm của Cục BVTV thử nghiệm ép ăn trên cây trồng khác đã “không hoàn thành nổi vòng đời, nhiều con đẻ ra dính chết khô”. Đây là tin mừng tạo sự yên tâm cho ngành nông nghiệp trong chỉ đạo sản xuất các loại cây lương thực.

Dù vậy, do là đối tượng gây hại mới nên Cục BVTV vẫn tiếp tục yêu cầu các địa phương có số liệu báo cáo thường xuyên về tình hình dịch bệnh, diện tích gây hại đối với sâu keo mùa thu. Bộ NN&PTNT đã thành lập ngay Ban chỉ đạo phòng trừ sâu keo mùa thu do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh làm Trưởng ban và 1 tổ công tác thường trực để đối phó với sâu keo mùa thu gây hại. Tag: tôm bệnh phân trắng

“Tất cả các nhà khoa học, các viện, trường đều cử thành viên tham gia. Đồng thời, Bộ cũng phân công ngoài Cục BVTV thì các viện nằm trong VASS đều phải có trách nhiệm hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng trừ sâu keo mùa thu” – ông Hoàng Trung khẳng định.

Theo Croplife Châu Á, sâu keo mùa thu là loài sâu hại mới có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ, đã lây lan rất nhanh từ Nam Mỹ đến miền Đông và Trung Bắc Mỹ. Loài sâu hại này được phát hiện lần đầu tiên tại Nigeria, Châu Phi vào tháng 1/2016 và đã nhanh chóng phát tán ra 44 quốc gia khắp khu vực hạ Sahara châu Phi.

Sâu keo mùa thu có thể gây hại trên 80 loại cây trồng, phổ biến như ngô, gạo, bông, mía, lúa mì và đậu nành và đặc biệt tàn phá nặng nề các khu vực sản xuất ngô của Brazil, Châu Phi và gần đây là Ấn Độ.

Dựa trên các dữ liệu phân tích từ châu Phi, ước tính loài sâu hại này sẽ giảm sản lượng ngô hàng năm xuống 21 - 53% nếu không áp dụng biện pháp phòng trừ. Tag: khí độc trong ao

Nguồn: danviet.vn/nha-nong/sau-keo-mua-thu-da-bi-khac-che-nho-bi-quyet-nay-1033349.html