(XHTT)

Nghề sửa điện thoại di động tại nhà, không cửa hàng chỉ qua các mối bạn bè, quen biết kiểu sữa chữa “dạo” không biết đã có ở Sài Gòn từ lúc nào nhưng đã và đang là “kênh” chữa bệnh điện thoại phổ biến hiện nay. Sau nhiều năm bôn ba, Huỳnh Phú Tiến với nick thân thiết anh7 (nick trên diễn đàn GSM, 5giay...) đã có được số lượng khách hàng đông đảo và là đầu mối đáng tin cậy để khách hàng tin tưởng trao gửi dế yêu. Có nhiều bạn trẻ sau khi ra trường đã chọn cho mình con đường này xem như một bước khởi đầu để bước vào đời - nghề sữa chữa điện thoại tại tphcm.


Ai điện thoại dạo hông?

Không thể đếm xuể ở Sài Gòn có bao nhiêu cửa hàng bán và kiêm luôn chức năng sửa chữa điện thoai di động. Nhưng ngoài hệ thống các cửa hàng, trung tâm, trường dạy nghề sửa chữa điện thoại chuyên nghiệp thì vẫn song song tồn tại những cá nhân nhỏ lẻ cũng đảm nhiệm chức năng chữa bệnh cho dế.

Điểm khác biệt là họ làm việc tự do thoải mái, không cửa hàng, nhận và sửa mọi loại điện thoại có mặt trên thị trường không kể mới cũ, hàng độc, hàng hiếm. Tùy theo sở trường và đam mê một loại điện thoại nào đó mà họ có chuyên môn và nổi tiếng “cao tay” với dòng điện thoại ấy.

Ví như có Tiến chuyên về Nokia, Samsung và một vài dòng điện thoại độc. Blackberry thì có Dũng, chuyên trị iPhone là Đài... Họ được khách hàng biết đến nhờ các mối quan hệ quen biết, nhờ tham gia vào các diễn đàn công nghệ, câu lạc bộ, hội chơi... Chỉ cần search thông tin trên mạng để tìm một địa chỉ sửa điện thoại thì có hàng trăm cái nick gọi mời. Khách có thể mang điện thoại đến hoặc gọi họ đến tận nhà lấy máy về sửa. Cái tên sửa điện thoại dạo ra đời cũng vì như thế.


Một dân sửa điện thoại dạo khá lâu năm trong nghề bộc bạch: Nghề sửa điện thoại tự do này hiện đang phát triển. Có nhiều nguyên nhân: tâm lý khách hàng không muốn mang đến một số cửa hàng vì sợ bị luộc đồ, sợ bị chặt chém. Điện thoại mới còn bảo hành không nói làm gì. Riêng điện thoại cũ thì “lơ tơ mơ” là bị luộc đồ hoặc giá sửa điện thoại còn cao hơn cả giá máy. Sở dĩ, các cửa hàng hay nại lý do không sửa được vì chi phí sửa không thể lấy quá cao lại phải có trách nhiệm bảo hành. Đó là gặp cửa hàng tốt.

Đụng phải mấy cửa hàng hay tay thợ ít lương tâm thì vẫn nhận sửa nhưng sau đó bảo là không sửa được. Trong quá trình nhận máy, thợ thường luộc board mạch rồi mang sang chắp vá với một máy khác để tạo thành chiếc máy hoàn chỉnh và bán kiếm lời. Làm như vậy sẽ kiếm được nhiều tiền hơn là nhận sửa chữa điện thoại hỏng, ít tiền mà trách nhiệm cao. Tất cả như một hệ quả khiến cho nhiều khách hàng cảm thấy ái ngại khi đi sửa máy.

Nếu thật lòng muốn sửa để dùng tiếp, khách sẽ hỏi thăm bạn bè xem ai có khả năng sửa tốt, uy tín. Còn nếu không dùng nữa thì để làm kỷ niệm hoặc vứt xó chứ đi sửa bởi “một tiền gà ba tiền thóc”.Vì vậy là nghề sửa điện thoại dạo có đất để sống và phát triển rộng rãi.


Đó còn là đam mê

Tiến còn khá trẻ, mới 26 tuổi đời nhưng đã có vài năm tuổi nghề. Ngay từ mới ra trường, Tiến đã chọn nghề này. Tiến tâm sự, có lẽ một phần vì cái cảm giác tự do thoải mái, không chịu ràng buộc bởi cửa hàng, giờ giấc. Phần nữa vì mình không có vốn để mở cửa hàng nên công việc này là phù hợp và đúng với chuyên nghành học nhất. Khách hàng ban đầu là những mối quen biết do bà con họ hàng, bạn bè giới thiệu. Bản thân mình cũng “tự lực cánh sinh” bằng cách gia nhập vào các diễn đàn công nghệ như GSM, các câu lạc bộ như hội những người đam mê Ngage hoặc rao thông tin trên một số trang Web thương mại điện tử.

Mình chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thủ thuật khi sử dụng, sửa chữa điện thoại. Thấy nguồn thông tin bổ ích, hữu dụng nên rất nhiều anh em thành viên diễn đàn tin tưởng giao dế yêu cho Tiến “xử lý” mỗi khi chúng “hắt hơi sổ mũi”. Tiếng lành đồn xa, khách hàng qua đó cũng biết đến mình nhiều hơn. Và biệt danh anh7 của Tiến đến nay đã có được chỗ đứng khá vững vàng trong lòng các bạn trẻ chơi Ngage cũng như nhiều khách hàng xa lạ.

Ai cũng nghĩ nghề này đơn giản, vốn ít, dễ làm nhưng có trong cuộc mới thấu hiểu hết những khó khăn của nghề. Trước hết là đồ nghề chuyên dụng không có. Thiết bị thường thấy chỉ là hàn, khò và bằng kinh nghiệm cùng sự đam mê mới có thể sửa chữa được. Tiến kể, hỏng hóc thường thấy nhất ở điện thoại là mất nguồn, hư rung, chuông, liệt bàn phí, đèn màn hình, treo máy, không đọc được thẻ... Bệnh nặng hơn thì mất sóng và nhất là các dòng điện thoại độc, hiếm càng khó sửa bởi không có linh phụ kiện thay thế. Ở nước ngoài hoặc tại các trung tâm lớn có nhiều thiết bị chuyên dụng, viêc khắc phục bệnh rất dễ và nhanh chóng bởi họ có dụng cụ để đo chính xác xem lỗi xuất phát từ đâu.

Những người sửa điện thoại dạo như tụi mình lại chủ yếu dựa vào kinh nghiệm để xác định lỗi. Mà kinh nghiệm thuộc về phạm trù cảm tính nên chắc chắn sẽ không chính xác và nhanh chóng như máy móc đo đạc được. Với mấy bệnh nhè nhẹ thì mọi chuyện suông sẻ, chứ mấy bệnh nặng hay gặp hàng độc, hàng hiếm thì vất vả lắm. Mệt vì phải tìm sơ đồ bảng mạch điện tử để xác định căn nguyên. Sau khi kiểm tra kỹ mới dám bắt tay chỉnh sửa, chỉ cần sai một li là đi một dặm mà không có cơ hội quay lại. Lắm khi máy chỉ bị hỏng khá đơn giản nhưng mình thiếu dụng cụ đo và khách hàng lại không biết nguyên nhân do đâu mà hư nên việc xác định bệnh và khắc phục đòi hỏi nhiều thời gian đầu tư.

Thậm chí có khi đoán sai bệnh nên quá trình sửa chữa càng mất công mà lại chẳng đạt được hiệu quả. Một chiếc điện thoại hỏng có khi phải kiểm tra, thử đi thử lại nhiều lần, mất thời gian vài ba ngày là chuyện thường nhưng tiền công cũng chỉ có thể lấy vài chục ngàn đồng. Nếu không thích, không ham thì mấy ai mà chịu khó bỏ thời gian và công sức để làm được


Bám trụ với nghề

Đó là với khách thường, còn với nhiều anh em cùng là dân công nghệ chơi với nhau, đôi khi việc sửa chữa lại mang tính tình cảm cho vui chứ không lấy tiền. Thu nhập trung bình của thợ sửa điện thoại dạo như mình chỉ khoảng 5- 6 triệu mỗi tháng. So với công sức mình bỏ ra như vậy cũng không phải là cao. Đó là chưa kể trường hợp mình sửa không được hoặc trong quá trình thao tác làm hỏng máy còn phải đền tiền cho khách hàng nữa.

Gọi là sửa điện thoại dạo chứ nghề này cũng cần đồng đội nhiều lắm. Nếu một dòng máy nào đó mình không sửa được thì sẽ giới thiệu sang những thợ có chuyên môn về dòng điện thoại đó. Ví như một số bạn của Tiến là Phương, Linh đều có chuyên môn với một số dòng điện thoại nhất định. Chi phí rẻ, được sửa chữa tận tình, chu đáo, đó là nét cuốn hút mà những thợ sửa điện thoại dạo đến nay vẫn sống và sống tốt với nghề dù rằng họ kiếm không thật nhiều tiền và là một nghề không thể thiếu trong thời buổi di động hiện nay.

Những dân chơi Sài Gòn mỗi khi nhập về một dòng máy hàng độc nào đó mà muốn unlock điện thoại, người mà đầu tiên họ nghĩ đến có lẽ những thợ sửa chữa dạo như Tiến. Đơn giản vì những người thợ này họ làm trước hết vì niềm đam mê, vì cảm giác muốn được chinh phục và khám phá nên khó khăn mấy cũng sẽ vượt qua. “Nếu thợ nào làm chỉ vì tiền, làm theo kiểu “ăn xổi ở thì” thì chắc chắn sẽ chẳng thể trụ được với nghề lâu dài bởi khách hàng sẽ không tin tưởng giao phó dế yêu”. Tiến bộc bạch thêm.

Nguồn: xahoithongtin.com.vn