Việt Nam được đánh giá là có nhiều lợi thế để phát triển du lịch với hàng loạt điểm du lịch nổi tiếng và di sản thiên nhiên thế giới…
Tuy nhiên việc phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng lại đang gặp nhiều rào cản.

Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 9,53 tỉ USD, riêng lĩnh vực bất động sản (BĐS) đứng thứ 2 với hơn 20 dự án đầu tư trị giá 1,13 tỉ USD, trong đó phần lớn là các dự án BĐS du lịch, nghỉ dưỡng. Mặc dù vậy, các DN tham gia vào lĩnh vực này lại cho rằng phát triển đầu tư vào bất động sản du lịch quá khó và có nhiều rủi ro.

Theo tính toán của ông Thân Thành Vũ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội BĐS du lịch Việt Nam (VNTPA), từ khi bắt đầu ý tưởng đầu tư đến khi đưa vào hoạt động một dự án resort 4-5 sao, trung bình 10ha với khoảng trên dưới 300 phòng ở Việt Nam, DN phải mất đến 167 tháng (hơn 13 năm). Trong đó từ khi có chủ trương đầu tư đến khi biết được giá đất mất khoảng 63 tháng và mất thêm khoảng 73 tháng để có được quyền sử dụng đất. Một dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch liên quan ít nhất 12 cơ quan, ban, ngành ở địa phương, có đến 22/44 nhóm công việc lớn phải làm gắn trực tiếp với sự quản lý và phê duyệt của chính quyền. Đồng thời các dự án phát triển BĐS du lịch còn chịu sự chi phối của ít nhất 7 bộ luật và hàng ngàn văn bản dưới luật.

Ngoài rào cản về thủ tục nhiêu khê kéo dài, Hội Bất động sản du lịch cho rằng đầu tư vào bất động sản du lịch còn phải đối mặt với hàng loạt rủi ro tỉ giá, nguồn nhân lực, thay đổi chính sách vĩ mô, các hạn chế về visa, đi lại và cơ sở hạ tầng, các hạn chế về quyền sở hữu, giá đất biến động khó lường và không thể xác định các hạn chế về tiếp cận tín dụng và lãi suất quá cao.

Theo ông Thân Thành Vũ, kinh tế du lịch dựa vào các nền tảng của bất động sản du lịch, các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, ẩm thực văn hóa… Tuy nhiên đầu tư vào phát triển bất động sản du lịch quá khó, mất nhiều thời gian và gặp nhiều rủi ro. Do đó các cơ sở bất động sản du lịch ở Việt Nam vẫn chưa phát triển nhiều và mạnh như ở các nước ASEAN.

Để hạn chế các rủi ro trong đầu tư bất động sản du lịch, theo kiến nghị của Hội Bất động sản du lịch Việt Nam, điều đầu tiên là các cơ quan chính quyền nên xem nhà đầu tư là đối tác với tinh thần hợp tác thay vì cơ chế xin - cho như hiện nay. Các cơ quan quản lí nhà nước cần phải giảm bớt cho chủ đầu tư các rủi ro không cần thiết thông qua việc làm rõ và minh bạch các quy định, quy hoạch, chính sách, thủ tục, yêu cầu của chính quyền đối với nhà đầu tư và dự án, phân định rõ trách nhiệm của mỗi bên cho từng việc, thời gian thực hiện một cách thiện chí, minh bạch để có thể kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh.

Ngoài ra, cần nghiên cứu các giải pháp xác định giá đất và các vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng cho phù hợp với thực tế kinh doanh. Điều chỉnh và nới rộng các quyền sở hữu bất động sản du lịch để giúp mở rộng thu hút nhiều nguồn nhân lực đầu tư vào bất động sản du lịch nhằm tăng tính thanh khoản và chuyển nhượng đặc biệt đối với căn hộ và biệt thự nghỉ dưỡng. Đặc biệt, Nhà nước nên xem xét các chính sách kích cầu ngành bất động sản du lịch, đặc biệt là chính sách tín dụng và thúc đẩy chương trình cải tiến cấp visa cho du lịch thuận lợi và dễ dàng hơn cũng như đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả các chương trình quảng bá cho ngành du lịch.